Các yếu tố nguy cơ gây ung thư vú(P2)
Các nguy cơ gây ung thư vú(P2)
2. Lối sống và nguy cơ ung thư vú
Có con
Nguy cơ mắc ung thư vú tăng nhẹ ở những phụ nữ không có con hoặc có con đầu lòng sau tuổi 30. Mang thai nhiều lần và mang thai khi còn trẻ làm giảm nguy cơ ung thư vú. Tuy vậy, ảnh hưởng của việc mang thai đối với các loại ung thư vú khác nhau thì khác nhau. Với một số thể ung thư vú , việc mang thai làm tăng nguy cơ ung thư.
Biện pháp ngừa thai
Thuốc tránh thai đường uống: Các nghiên cứu cho thấy nguy cơ mắc ung thư vú tăng nhẹ ở những phụ nữ sử dụng thuốc tránh thai đường uống so với người chưa từng sử dụng các thuốc này. Nguy cơ này dường như trở lại bình thường khi dừng thuốc. Với người dừng sử dụng thuốc hơn 10 năm, nguy cơ ung thư vú không thay đổi so với bình thường. Khi cân nhắc sử dụng thuốc tránh thai đường uống, nên thảo luận về các yếu tố nguy cơ gây ung thư vú với cán bộ y tế.
Depot-medro xyprogesteron acetat (DMPA; Depo-Provera) là một progesteron dạng tiêm được sử dụng 3 tháng 1 lần để phòng tránh thai. Một vài nghiên cứu cho thấy ảnh hưởng của DMPA trên nguy cơ ung thư vú. Phụ nữ trong thời gian sử dụng DMPA có nguy cơ mắc ung thư vú cao hơn, tuy nhiên nguy cơ mắc ung thư dường như không tăng lên khi dừng sử dụng thuốc trên 5 năm.
Liệu pháp bổ sung hormon thời kì phụ nữ mãn kinh
Liệu pháp sử dụng estrogen (thường kết hợp với progesteron) được sử dùng từ nhiều năm này để giảm triệu chứng mãn kinh và ngăn ngừa loãng xương. Các nghiên cứu trước đây đề xuất rằng nó có thể có các lợi ích khác cho sức khỏe, tuy nhiên các lợi ích này không được tìm thấy gần đây qua các nghiên cứu được thiết kế tốt hơn. Liệu pháp này được gọi bằng nhiều tên như liệu pháp hormon sau mãn kinh (post-menopausal hormone therapy), liệu pháp hormon thay thế (hormone replacement therapy) và liệu pháp hormon mãn kinh (menopausal hormon therapy).
Có 2 loại liệu pháp hormon chính. Với người còn tử cung, bác sĩ thường kê đơn cả estrogen và progesteron (được gọi là liệu pháp hormon kết hợp). Progesteron rất cần thiết do estrogen đơn độc làm tăng nguy cơ ung thư tử cung. Với người không còn tử cung (người đã từng phẫu thuật cắt tử cung), có thể kê estrogen đơn độc. Liệu pháp này thường được gọi là liệu pháp thay thế estrogen hoặc liệu pháp estrogen.
Các nghiên cứu cho thấy sử dụng liệu pháp hormon kết hợp sau khi mãn kinh làm tăng nguy cơ mắc ung thư vú. Nó cũng tăng nguy cơ tử vong do ung thư vú.
Sử dụng estrogen đơn độc sau mãn kinh không làm tăng nguy cơ mắc ung thư vú.
Cho con bú
Một số nghiên cứu cho kết quả gợi ý rằng việc cho con bú làm giảm nhẹ nguy cơ mắc ung thư vú, đặc biệt nếu cho bú liên tục từ 1,5 đến 2 năm. Tuy nhiên, điều này rất khó để nghiên cứu, đặc biệt ở các quốc gia như Mỹ, nơi mà việc cho bú trong thời gian dài không phải là phổ biến.
Ảnh hưởng này có thể do việc cho con bú làm giảm số lượng chu kỳ kinh nguyệt trong cuộc đời của người phụ nữ (tương tự với việc bắt đầu chu kỳ kinh nguyệt muộn hoặc sớm).
Rượu
Sử dụng rượu có mối liên hệ rõ ràng với việc tăng nguy cơ mắc ung thư vú. Nguy cơ tăng lên tỷ lệ với lượng rượu tiêu thụ. So sánh với người không uống rượu, người uống 1 cốc rượu tiêu chuẩn một ngày có nguy cơ tặng rất ít. Người uống từ 2 đến 5 cốc mỗi ngày có nguy cơ cao hơn 1,5 lần so với người không uống rượu. Uống nhiều rượu cũng làm tăng nguy cơ mắc một số loại ung thư khác.
Quá cân hoặc béo phì
Quá cân hoặc béo phì sau mãn kinh làm tăng nguy cơ ung thư vú. Trước mãn kinh, buồng trứng sinh ra phần lớn estrogen trong cơ thể, và mô mỡ sinh ra một lượng nhỏ. Sau mãn kinh (khi buồn trừng dừng sản xuất estrogen), phần lớn estrogen có nguồn gốc từ mô mỡ. Tăng mô mỡ sau khi mãn kinh có thể làm tăng nguy cơ mắc ung thư vú do tăng nồng độ estrogen. Tương tự, những phụ nữ quá cân thường có nồng độ insulin trong máu cao hơn. Nồng độ insulin cao cũng có thể liên quan tới một số ung thư, bao gồm cả ung thư vú.
Tuy nhiên, quan hệ giữa cân nặng và nguy cơ ung thư vú rất phức tạp. Ví dụ, nguy cơ ung thư tăng lên ở những phụ nữ tăng cân ở tuổi trưởng thành nhưng có thể không tăng ở những người quá cân khi còn nhỏ. Tương tự, quá nhiều mỡ ở vùng eo có thể ảnh hưởng tới nguy cơ ung thư vú nhiều hơn cùng lượng mỡ đó ở vùng hông và đùi. Các nhà nghiên cứu tin rằng các tế bào mô mỡ ở các vùng khác nhau của cơ thể có sự khác biệt, điều này có thể giải thích cho sự ảnh hưởng phức tạp trên.
Hoạt động thể lực
Ngày càng có nhiều bằng chứng cho thấy hoạt động thể lực dưới dạng các bài tập thể dục làm giảm nguy cơ ung thư vú. Câu hỏi chính là cường độ cần thiết là bao nhiêu. Trong một nghiên cứu từ Cơ quan sáng kiến về sức khỏe phụ nữ, đi bộ nhanh khoảng 1,25 đến 2,5 giờ trên tuần làm giảm nguy cơ ung thư khoảng 18%/người. Đi bộ 10 giờ/tuần giảm nguy cơ hơn một chút nữa.
3. Các yếu tố chưa rõ
Chế độ ăn và vitamin
Nhiều nghiên cứu đã tìm hiểu mối liên hệ giữa chế độ ăn và nguy cơ ung thư vú, nhưng đến nay các kết quả vẫn còn nhiều mâu thuẫn. Một số nghiên cứu cho thấy chế độ ăn có thể đóng một vai trò trong sự phát triển ung thư, trong khi các nghiên cứu khác lại không thấy bằng chứng rằng chế độ ăn ảnh hưởng tới nguy cơ ung thư vú. Ví dụ, một nghiên cứu thấy rằng phụ nữ ăn nhiều thịt đỏ hơn có nguy cơ ung thư vú cao hơn.
Các nghiên cứu cũng chú ý tới nồng độ vitamin, và cũng thu được kết quả không thống nhất. Một số nghiên cứu hiện nay thấy rằng ở phụ nữ có nồng độ cao một số chất dinh dưỡng, nguy cơ ung thư vú tăng lên. Đến nay, không có nghiên cứu nào cho thấy rằng sử dụng vitamin làm giảm nguy cơ ung thư vú. Điều này không có nghĩa chế độ ăn lành mạnh không có lợi ích gì. Một chế độ ăn ít béo, ít các loại thịt đỏ và thịt qua chế biến, nhiều rau và hoa quả có thể có các lợi ích khác với sức khỏe.
Phần lớn nghiên cứu cho thấy rằng ung thư vú ít phổ biến hơn ở các nước nơi chế độ ăn điển hình là ít các loại chất béo, ít chất béo không bão hòa đa (polyunsaturated fat) và ít chất béo bão hòa. Tuy nhiên nhiều nghiên cứu về phụ nữ tại Mỹ không thấy mối liên quan giữa ung thư vú và lượng chất béo đưa vào cơ thể. Các nhà nghiên cứu vẫn không chắc chắn về lời giải thích cho sự mâu thuẫn này. Ít nhất chế độ ăn cũng ảnh hưởng một phần tới cân nặng của cơ thể. Tương tự, các nghiên cứu so sánh chế độ ăn và nguy cơ ung thư ở các nước khác cũng cho kết quả phức tạp do bị ảnh hưởng bởi các yếu tố như mức độ vận động, lượng các chất dinh dưỡng khác và gen.
Cần có thêm nghiên cứu để đánh giá ảnh hưởng của các loại chất béo với nguy cơ ung thư vú. Nhưng chắc chắn rằng lượng calo có liên quan và chất béo là nguồn calo chính. Chế độ ăn nhiều chất béo dẫn tới quá cân hoặc béo phì (là yếu tố nguy cơ gây ung thư vú), đồng thời ảnh hưởng tới sự phát triển của một số loại ung thư khác. Lượng chất béo sử dụng (một số loại) ảnh hưởng rõ ràng tới nguy cơ bệnh tim.
Các hóa chất trong môi trường
Nhiều nghiên cứu đã và đang được thực hiện để đánh giá ảnh hưởng của môi trường lên nguy cơ ung thư vú.
Các hợp chất trong môi trường có tính chất tương tự estrogen được đặc biệt quan tâm, ví dụ, các hợp chất trong một số loại nhựa, một số mỹ phẩm và sản phẩm chăm sóc cá nhân, thuốc trừ sâu (như DDE), và các polychlorinat biphenyl (PCB). Các chất này theo lý thuyết có thể ảnh hưởng tới nguy cơ ung thư vú.
Vấn đề này là mối quan tâm lớn của cộng đồng, nhưng ở thời điểm này các nghiên cứu không cho thấy mối liên hệ rõ ràng giữa nguy cơ ung thư vú và sự phơi nhiễm với các chất này. Đáng tiếc rằng khó thực hiện các nghiên cứu về loại ảnh hưởng này ở người. Cần có thêm nghiên cứu để xác định ảnh hưởng tới sức khỏe của các chất này và các chất tương tự.
Hút thuốc lá
Trong một thời gian dài, các nghiên cứu không tìm thấy mối liên hệ giữa hút thuốc và ung thư vú. Trong những năm gần đây, nhiều nghiên cứu đã thấy rằng nghiện thuốc lá nặng trong thời gian dài có liên quan với sự gia tăng nguy cơ ung thư vú. Một số nghiên cứu cho thấy nguy cơ lớn nhất là ở những phụ nữ bắt đầu hút thuốc trước khi có con đầu lòng. Báo cáo của Hội bác sĩ phẫu thuật Mỹ năm 2014 về việc hút thuốc kết luận rằng bằng chứng “có tính gợi ý nhưng không đầy đủ” rằng hút thuốc làm tăng nguy cơ ung thư vú.
Một trọng tâm nghiên cứu hiện nay là việc hút thuốc thụ động có tăng nguy cơ ung thư vú hay không. Cả khói thuốc khi hút thuốc trực tiếp hay gián tiếp đều chứa các chất hóa học gây ung thư vú ở loài gặm nhấm ở nồng độ cao. Các chất hóa học trong khói thuốc tới mô tuyến vú và bài tiết ra sữa.
Bằng chứng nghiên cứu về mối quan hệ nữa hút thuốc thụ động và nguy cơ ung thư vú ở người còn gây tranh cãi, ít nhất một phần nào đó do mối quan hệ này còn chưa rõ ràng. Có thể giải thích cho điều này là khói thuốc lá có thể ảnh hưởng khác nhau với nguy cơ ung thư vú trên người hút thuốc và người chỉ phơi nhiễm với khói thuốc.
Một báo cáo từ Phòng bảo vệ môi trường California năm 2005 kết luận rằng bằng chứng cho thấy chắc chắn có mối quan hệ nhân quả giữa hút thuốc thụ động và nguy cơ ung thư vú ở người trẻ, đặc biệt phụ nữ trước mãn kinh. Báo cáo của Hiệp hội bác sĩ phẫu thuật năm 2004 lại kết luận rằng không có bằng chứng chắc chắn về mối liên hệ này. Trong bất kỳ trường hợp nào, nguy cơ này đủ để có lý do tránh việc hút thuốc thụ động.
Làm việc đêm
Một số nghiên cứu cho thấy rằng phụ nữ làm việc về đêm (như y tá ca đêm) có thể có nguy cơ mắc ung thư vú cao hơn. Gần đây, nhiều nghiên cứu hơn được tiến hành về vấn đề này. Một số nhà nghiên cứu nghĩ rằng ảnh hưởng này có thể do sự thay đổi nồng độ melatonin, một hormon được bài tiết thay đổi dựa theo sự phơi nhiễm của cơ thể với ánh sáng, tuy nhiên các hormon khác cũng đang được nghiên cứu.
4. Các yếu tố còn tranh cãi hoặc chưa được chứng minh
Chất chống đổ mồ hồi
Tin đồn trên internet và e-mail cho rằng các chất hóa học chống đổ mồ hôi dưới cánh tay được hấp thụ qua da, vào hệ bạch huyết, gây độc cho quá trình phát triển của tuyến vú và cuối cùng dẫn tới ung thư vú.
Dựa trên các bằng chứng hiện nay (bao gồm kiến thức về cơ chế hoạt động của cơ thể), có rất ít lý do để tin rằng các chất chống đổ mồ hồi làm tăng nguy cơ ung thư vú.
Áo ngực
Tin đồn qua internet và e-mail và ít nhất một quyển sách cho rằng áo ngực gây ung thư vú do gây tắc nghẽn dòng bạch huyết. Không có cơ sở khoa học hay lâm sàng cho khẳng định này, và một nghiên cứu gần đây gồm 1500 phụ nữ cho thấy không có mối liên hệ giữa việc sử dụng áo ngực với nguy cơ ung thư vú.
Phá thai
Một số nghiên cứu cho dữ liệu chắc chắn rằng cả phá thai và xảy thai đều không có ảnh hưởng tới nguy cơ ung thư vú.
Cấy ghép vú
Một số nghiên cứu cho thấy rằng việc cấy ghép vú không làm tăng nguy cơ ung thư vú, mặc dù đặt túi silicon có thể gây mô sẹo trong vú. Việc cấy ghép có thể gây khó khăn để quan sát mô vú trong phim chụp x-quang chuẩn của vú, nhưng khi sử dụng hình ảnh thêm (additional x-ray pictures) , được gọi là hình ảnh thay thế cấy ghép (implant displacement view) có thể thăm khám mô vú một cách đầy đủ.
Cấy ghép vú có thể gây lymphoma thể hiếm gọi là lymphoma thểtế bào lớn thoái biến. Biến thể lymphoma này hiếm khi được thấy ở mô vú quanh nơi cấy ghép. Tới nay, có rất ít ca đã biết cho thấy nguy cơ mắc thể lymphoma này cao hơn ở những phụ nữ cấy ghép ngực.
Xem các nguy cơ ung thư vú phần 1 tại đây
Các triệu chứng và cách điều trị bệnh sốt xuất huyết Dengue
Các triệu chứng và cách điều trị bệnh sốt xuất huyết Dengue
Chi tiếtCách lựa chọn phương pháp hóa trị liệu bệnh ung thư phù hợp từng giai đoạn bệnh
Giới thiệu về hóa trị liệu ung thư, phân loại các loại hóa trị liệu và cách lựa chọn phương pháp hóa trị liệu phù hợp với từng giai đoạn ung thư.
Chi tiếtCase hạ glucose máu về đêm tái phát ở một bệnh nhân đái tháo đường type 1
Case lâm sàng bệnh nhân Đái tháo đường(ĐTĐ) type 1 được nhập viện kèm nhiễm toan ceton nặng và nhiễm trùng đường hô hấp trên
Chi tiếtCác yếu tố nguy cơ gây ung thư vú(P1)
Các yếu tố như tuổi, giới tính, các yếu tố di truyền, do các gen đột biến làm ảnh hưởng tới nguy cơ gây ra tình trạng ung thư vú ở phụ nữ.
Chi tiếtCộng hưởng từ tuyến vú
Hội ung thư Mĩ khuyến cáo những phụ nữ có nguy cơ cao mắc ung thư vú nên tầm soát bằng cộng hưởng từ tuyến vú (MRI)
Chi tiếtCách khám ngực lâm sàng
Khám ngực lâm sàng (CBE) là một trong những loại hình kiểm tra sức khỏe được thực hiện bởi những chuyên gia chăm sóc sức khỏe
Chi tiếtBình luận
Bạn hãy là người đầu tiên nhận xét về sản phẩm này