Sinh non
Sinh non là gì?
Sinh non nghĩa là em bé chào đời sớm. Khi mẹ bầu lâm bồn và sinh em bé trước ngày dự sinh, trong khoảng thời gian từ 20 tuần đến tuần 37 của thai kỳ được gọi là sinh non. Trẻ sinh non là những trẻ sinh ra rất sớm và thường có các vấn đề về y tế phức tạp.
Mẹ bầu hãy tìm hiểu các nguyên nhân dẫn tới hiện tượng sinh non để có thể phòng tránh tốt nhất. Thông thường, các biến chứng của việc sinh non thường khác nhau. Những em bé được sinh ra càng sớm thì nguy cơ biến chứng càng cao.
Nguyên nhân Sinh non
Các nguyên nhân dọa sinh non từ phía người mẹ là:
-
Đã có tiền sử sinh con sớm, tiền căn sảy thai, sinh non nhiều lần.
-
Do cổ tử cung, tử cung: Có cổ tử cung ngắn, hở eo tử cung, tử cung bị dị dạng bẩm sinh hoặc mắc phải, phẫu thuật trên cổ tử cung.
-
Do các yếu tố từ mẹ như: suy dinh dưỡng, ăn uống kém, uống rượu, hút thuốc lá, lao động nặng nhọc quá sức.
-
Bệnh mạn tính từ phía mẹ: thiếu máu, bệnh lý thận, cao huyết áp trong thai kỳ, đái tháo đường týp 1.
-
Một số bệnh lý tự miễn làm tăng nguy cơ sinh non như: bệnh nhiễm khuẩn đường ruột, bệnh lý tuyến giáp tự miễn.
-
Do nhau: nhau bong non, nhau tiền đạo, thiểu năng nhau.
-
Khoảng cách giữa hai lần mang thai quá ngắn.
-
Đã từng thực hiện phẫu thuật cổ tử cung hoặc trên tử cung.
-
Một số rối loạn khi mang thai như chảy máu âm đạo hoặc mang đa thai.
-
Các yếu tố về lối sống như nhẹ cân, ít vận động, thường xuyên căng thẳng,.. khi mang thai.
Các nguyên nhân dọa sinh non từ phía bào thai là:
-
Thai chậm phát triển trong tử cung cũng liên quan tới hiện tượng sinh non tự nhiên hay việc phải chấm dứt thai kỳ khi trẻ sinh còn non tháng. Những nguyên nhân sinh non do thai bao gồm:
-
Thai dị dạng: Là một trong các nguyên nhân gây sinh non. Có thể là hậu quả của hiện tượng dị dạng thai dẫn tới tăng nguy cơ chuyển dạ sinh non hoặc do hiện tượng dị dạng có chỉ định phải chấm dứt thai kỳ sớm hơn dự sinh.
-
Giới tính nam là một trong những nguyên nhân dẫn tới hiện tượng sinh non tự nhiên. Đã có nghiên cứu cho thấy bánh nhau của bé trai dễ bị viêm hơn của bé gái.
Dấu hiệu dọa Sinh non
Các dấu hiệu của việc dọa sinh non là:
-
Do dịch tiết ở âm đạo có sự thay đổi như nhầy hơn, rỉ dịch lỏng hoặc có máu.
-
Tăng áp lực tại vùng chậu hoặc vùng dưới bụng.
-
Tăng tiết dịch âm đạo.
-
Chuột rút nhẹ ở bụng.
-
Đau lưng ở vùng thấp âm ỉ hoặc liên tục.
-
Vỡ màng ối thấy xuất hiện nước ối và tuôn ra ngoài.
-
Đau quặn bụng như đau bụng kinh, hoặc đau cùng những cơn co thắt tử cung liên tục.
Nguy cơ sinh non khi sản phụ bị chuyển dạ sớm
Các chuyên không thể dự đoán chính xác được khi nào phụ nữ bị chuyển dạ sớm và sinh non trong thời gian tới. Hiện nay chỉ có khoảng 1 trong 10 phụ nữ sinh con trong 7 ngày sau đó do chuyển dạ sớm dẫn đến.Cứ 10 phụ nữ bị chuyển dạ sớm có 3 người tự hết và không có dấu hiệu bất thường nào trong khoảng thời gian tiếp theo đó.
Chẩn đoán Sinh non
Hiện tượng chuyển dạ sinh non chỉ chẩn đoán được khi thấy có dấu hiệu thay đổi trong cổ tử cung. Lúc này bác sĩ sẽ kiểm tra vùng chậu để xác định khu vực cổ tử cung.
Bên cạnh đó, sản phụ sẽ phải làm một số các xét nghiệm để cân nhắc xem có cần phải nhập viện điều trị hay không như:
-
Siêu âm qua âm đạo: Để đo chiều dài cổ tử cung.
-
Xét nghiệm fFN: Để đo nồng độ protein của bào thai (gọi là fibronectin) trong dịch tiết âm đạo. Protein này giúp dự đoán được nguy cơ trẻ sinh non.
Kiểm soát những cơn chuyển dạ sinh non
Nếu vẫn gặp những cơn co thắt dọa sinh non, bạn cần chăm sóc và kiểm soát với chế độ phù hợp nhất cho cả mẹ và thai nhi. Điều này đôi khi có lợi cho sự phát triển của thai nhi. Một số loại thuốc được bác sĩ chỉ định dùng trong tình trạng này là:
-
Corticosteroid: Giúp tăng tốc độ phát triển các cơ quan của thai nhi như não, phổi và hệ tiêu hóa của thai nhi.
-
Magiê sulfat: Giúp làm giảm nguy cơ bại não liên quan tới hiện tượng sinh non, ngoài ra còn giúp giảm co thắt.
-
Tocolytics: Giúp hoãn thời điểm sinh con trong thời gian ngắn (không được quá 48 tiếng). Trong thời gian này, bác sĩ có thể cho thai phụ dùng Magie sulfat hoặc Corticosteroid, hoặc chuyển thai phụ tới bệnh viện có chuyên môn cao hơn.