Thủy đậu
Thủy đậu là bệnh gì?
Thủy đậu là một bệnh truyền nhiễm cấp tính do virus Herpes zoster gây nên. Bệnh lây từ người sang người qua đường hô hấp hoặc tiếp xúc gần. Thủy đậu là bệnh dễ lây truyền ở tất cả mọi lứa tuổi. Tỷ lệ lây nhiễm lên đến 90% ở những người chưa có miễn dịch hoàn chỉnh. Vì vậy, lứa tuổi dễ mắc bệnh là trẻ em từ 6 tháng đến 7 tuổi. Người lớn ít mắc bệnh hơn vì hệ miễn dịch đã hoàn chỉnh, chỉ 10% người lớn mắc bệnh thủy đậu.
Nguyên nhân bệnh thủy đậu
Virus Varicella Zoster là “thủ phạm” gây ra bệnh thủy đậu, lây lan chủ yếu qua đường hô hấp. Vì vậy đa số các trường hợp mắc bệnh đều do tiếp xúc với người bị thủy đậu thông qua không khí như hít phải nước bọt khi người bị thủy đậu ho, hắt xì hay tiếp xúc với chất dịch bên trong mụn nước. Ngoài ra, việc sử dụng chung các vật dụng cá nhân như khăn mặt, bàn chải đánh răng, quần áo hay ăn uống với người bị thủy đậu cũng là một trong những nguyên nhân lây truyền bệnh.
Biểu hiện bệnh thủy đậu
Bệnh thủy đậu có 4 giai đoạn phát triển, mỗi giai đoạn có dấu hiệu khác nhau. Cụ thể:
-
Giai đoạn ủ bệnh: Đây là giai đoạn nhiễm virus, thời kỳ virus trong người và phát bệnh. Giai đoạn này kéo dài từ 10 - 20 ngày. Người mắc bệnh lúc này không có bất kỳ dấu hiệu gì, rất khó để nhận biết.
-
Giai đoạn khởi phát: Thời điểm phát bệnh với những triệu chứng như sốt nhẹ, nhức đầu, cơ thể mệt mỏi. Bắt đầu xuất hiện phát ban đỏ với đường kính vài milimet trong 24 - 48 giờ đầu. Một số bệnh nhân còn có hạch sau tai, kèm viêm họng.
-
Giai đoạn toàn phát: Bệnh nhân bắt đầu sốt cao, chán ăn, buồn nôn, mệt mỏi, đau đầu và đau cơ. Các nốt ban đỏ bắt đầu có những nốt phỏng nước hình tròn, đường kính từ 1 - 3 mm. Các mụn nước gây ngứa và rát, rất khó chịu.
-
Giai đoạn hồi phục: Sau từ 7 - 10 ngày phát bệnh, các mụn nước sẽ tự vỡ ra, khô lại và bong vảy dần hồi phục trở lại. Trong giai đoạn này cần vệ sinh các vết thủy đậu cẩn thận, tránh để nhiễm trùng. Kết hợp sử dụng các loại thuốc trị sẹo, thuốc trị thâm. Bởi thủy đậu sẽ để lại sẹo rỗ (lõm) sau khi chúng biến mất.
Biến chứng bệnh thủy đậu
-
Viêm não, viêm màng não: Biến chứng xuất hiện ở cả người lớn và trẻ nhỏ, xuất hiện sau khi nổi bong bóng nước 1 tuần. Tuy nhiên, tỷ lệ mắc biến chứng này ở người lớn thường cao hơn.
-
Viêm cầu thận cấp: Bệnh thủy đậu diễn tiến nặng sẽ ảnh hưởng đến thận, gây viêm thận, viêm cầu thận cấp với các dấu hiệu như tiểu ra máu, suy thận.
-
Nhiễm trùng, bội nhiễm thứ phát tại các nốt mụn nước, thủy đậu xuất huyết bên trong.
-
Viêm gan: Biến chứng này hiếm xảy ra và không có biểu hiện bệnh rõ ràng. Những biểu hiện thường gặp chỉ là khó tiêu, buồn nôn, hệ miễn dịch suy giảm.
-
Biến chứng thủy đậu khi mang thai (Thủy đậu chu sinh): Thai phụ bị thủy đậu 5 ngày trước khi sinh hoặc 2 ngày sau sinh gây nhiều ảnh hưởng nguy hiểm đến thai nhi.
Cách điều trị bệnh thủy đậu
-
Dùng dung dịch xanh Milian (xanh Methylene) để chấm lên các nốt phỏng nước đã vỡ, không nên bôi lên các mụn nước chưa vỡ vì dễ làm vỡ bóng nước tạo cơ hội nhiễm trùng cao hơn.
-
Cần nhập viện khi: sốt cao liên tục khó hạ nhiệt độ khi dùng paracetamol, ho nhiều, thở co lõm ngực, lừ đù hoặc bứt rứt nhiều,…
-
Điều trị ngoại trú: có bác sĩ chuyên khoa khám, chẩn đoán và kê đơn thuốc bằng thuốc kháng virus.
Cách phòng ngừa bệnh thủy đậu
Tiêm chủng ngừa vắc xin thủy đậu là biện pháp phòng tránh thủy đậu hiệu quả và lâu dài nhất. Với trẻ em việc tiêm ngừa vắc xin thủy đậu càng quan trọng. Nếu gia đình có trẻ nhỏ hãy đưa trẻ tới cơ sở y tế uy tín để tiêm theo đúng liều lượng quy định. Lịch tiêm gồm:
-
Mũi 1: Tiêm khi trẻ trên 1 tuổi.
-
Mũi 2: Trẻ từ 1 - 13 tuổi: tiêm cách mũi 1 tối thiểu 3 tháng. Trẻ 13 tuổi trở lên: Tiêm cách mũi 1 ít nhất 1 tháng.
Khi tiếp xúc với người đang mắc bệnh thủy đậu mà bản thân chưa tiêm ngừa vắc xin thủy đậu, cần tiêm chủng ngừa trong 3 ngày sau đó. Không sử dụng đồ dùng cá nhân với người nhiễm bệnh, không chạm vào các mụn nước thủy đậu. Người bệnh cần được cách ly với người thân cũng như cộng đồng, tránh để lây nhiễm rộng rãi.
Thuốc điều trị bệnh thủy đậu hiệu quả
Đối với các nốt đỏ trên cơ thể, bạn có thể sử dụng dung dịch thuốc tím bôi lên các nốt mụn để kháng viêm, ngăn ngừa hình thành sẹo về sau. Khi mụn nước vỡ, bạn nên dùng dung dịch xanh Methylen bôi lên. Lưu ý, tuyệt đối không sử dụng vôi mỡ Tetaxiclin, mỡ Penixilin, thuốc đỏ. Khi nốt mụn đóng vảy, người bệnh có thể sử dụng kem trị dị ứng, các loại thuốc bôi trị ngứa.