Phát ban da
Phát ban da là gì?
Phát ban da là hiện tượng da nổi mảng hoặc các vết mẩn đỏ có màu sắc khác biệt với màu da. Phát ban da có thể là dấu hiệu cảnh báo các bệnh lý bên trong cơ thể hoặc các vấn đề về da. Bệnh có thể chỉ xuất hiện mẩn đỏ ở một vùng da nhất định hoặc xuất hiện trên cả cơ thể, phụ thuộc vào nguyên nhân gây bệnh. Phát ban da nhẹ có thể tự điều trị tại nhà.
Nguyên nhân phát ban da
Có rất nhiều nguyên nhân khiến làn da nổi phát ban. Tiêu biểu có thể kể đến như:
-
Do dùng các loại thuốc: Một số loại thuốc có tác dụng phụ gây dị ứng, phát ban da như thuốc kháng sinh, thuốc chống viêm không steroid. Nếu chỉ bị phát ban da ở mức độ nhẹ không kèm các triệu chứng khó chịu khác, bạn có thể tiếp tục dùng thuốc bình thường. Nếu phát ban da có kèm theo các triệu chứng dị ứng nặng, bạn cần ngừng thuốc và tìm đến bác sĩ tư vấn kịp thời.
-
Nhiễm trùng da: Khi da bị nhiễm trùng do vi khuẩn, nấm cũng có thể gây phát ban da. Triệu chứng của bệnh khác nhau, phụ thuộc vào vi khuẩn gây nhiễm trùng, thường thì da sẽ xuất hiện các vùng da bị sừng hoá.
-
Viêm da tiếp xúc: Do làn da tiếp xúc với các hoá chất độc hại hoặc mỹ phẩm, xà phòng gây kích ứng da khiến da bị đỏ và viêm.
-
Do hệ miễn dịch của cơ thể: Khi hệ miễn dịch tự miễn với các tác nhân lạ xâm nhập vào cơ thể có thể gây phản ứng nổi phát ban da. Vùng da bị phát ban phổ biến là ở má và mũi.
-
Phát ban da ở trẻ nhỏ có thể do nhiều nguyên nhân khác, có thể kể đến như: hăm tã, sởi, bệnh chân tay miệng, bệnh chốc,...
-
Một số nguyên nhân khác: do côn trùng cắn, bệnh giun đũa, bệnh ghẻ, thuỷ đậu, viêm da, ...
Biểu hiện phát ban da
Dấu hiệu của bệnh phát ban da khác nhau ở mỗi nguyên nhân gây bệnh. Cụ thể:
-
Phát ban do côn trùng: Da nổi ban đỏ kèm ngứa tại vị trí da tiếp xúc với côn trùng, bị côn trùng cắn.
-
Phát ban do nhiễm khuẩn: Nốt phát ban có hình tròn, xuất hiện ở khắp các vùng trên cơ thể. Bệnh nhân có thể kèm theo triệu chứng tiêu chảy, buồn nôn, đau đầu, mệt mỏi.
-
Phát ban do viêm da tiếp xúc: Da nổi ban đỏ kèm ngứa, kèm các vết mụn nước dễ bị vỡ.
-
Phát ban do vảy nến: Da nổi mẩn đỏ kèm theo tróc vảy kèm ngứa, thường xuất hiện ở đầu gối, khuỷu tay, da đầu.
-
Phát ban do bệnh chân tay miệng: thường xuất hiện ở những trẻ dưới 5 tuổi với các mụn nước, đốm đỏ nổi lên ở lòng bàn tay, lòng bàn chân, miệng, lưỡi.
-
Phát ban do thuốc: Phát ban kéo dài trong nhiều ngày kèm theo khó thở, tim đập nhanh, sốt.
-
Phát ban do bệnh ngoài da như thuỷ đậu, sởi, chàm: Da nổi mẩn đỏ khắp cơ thể kèm theo ngứa, mọc mủ.
Cách điều trị phát ban da
Với tình trạng phát ban da nhẹ không kèm các triệu chứng khó chịu khác, bạn có thể tự điều trị tại nhà bằng cách:
-
Ngưng sử dụng các loại mỹ phẩm và xà phòng, bột giặt có chất rửa cao hoặc khiến da bị kích ứng
-
Không nên băng kín vùng da bị phát ban, mặc quần áo rộng để tránh ma sát cho da.
-
Dùng các loại thuốc steroid dạng bôi, thuốc acetaminophen hoặc ibuprofen để điều trị triệu chứng tạm thời.
Nếu tình trạng phát ban da có kèm theo sốt, tiêu chảy, sưng mặt, khó thở, vết phát ban có mủ,... bạn nên đến ngay cơ sở y tế gần nhất để xác định nguyên nhân gây bệnh và điều trị kịp thời.
Cách phòng ngừa phát ban da
-
Tránh tiếp xúc với các hoá chất độc hại, chất tẩy rửa trực tiếp trong thời gian dài.
-
Vệ sinh cơ thể thường xuyên để hạn chế vi khuẩn lây nhiễm qua da.
-
Cẩn thận sử dụng các loại thuốc nếu bạn có tiền sử bị dị ứng với các hoạt chất hoặc đang bị suy giảm hệ miễn dịch.
-
Xây dựng chế độ ăn uống khoa học để nâng cao sức đề kháng cơ thể.
-
Đi khám ngay nếu bạn phát hiện các triệu chứng bệnh phát ban da kèm theo các dấu hiệu nguy hiểm khác.
Thuốc điều trị phát ban da hiệu quả
Khi bị phát ban da, bác sĩ sẽ xác nhận mức độ bệnh và tìm ra nguyên nhân gây bệnh. Một số loại thuốc điều trị phát ban da có thể bao gồm:
-
Thuốc kháng virus nếu phát ban da do virus tấn công
-
Thuốc kháng sinh nếu phát ban da có dấu hiệu nhiễm trùng
-
Một số loại thuốc bôi da giảm dị ứng nếu tác nhân gây phát ban từ môi trường.