Bệnh chốc
Bệnh chốc là gì?
Bệnh chốc là bệnh do nhiễm khuẩn da thường gặp ở trẻ nhỏ với biểu hiện thường gặp là da nổi các bọng nước rồi hoá mủ và đóng vảy. Bệnh rất dễ lây lan từ vùng da này sang vùng da khác, từ trẻ này sang trẻ khác. Nếu không được phát hiện và điều trị kịp thời, bệnh chốc có thể gây biến chứng tại chỗ và toàn thân trẻ.
Nguyên nhân bệnh chốc
Mỗi loại bệnh chốc do các nguyên nhân khác nhau. Bao gồm:
- Chốc không có bọng nước: Nguyên nhân do liên cầu tan huyết beta nhóm A, tụ cầu và/hoặc liên cầu xâm nhập qua da và gắn vào các protein trên da.
- Chốc có bọng nước: Nguyên nhân do tụ cầu (exfoliatin A-D) xâm nhập vào cầu nối desmoglein 1 của các tế bào gai ở thượng bì tạo nên các vết tróc vảy.
- Chóc loét: nguyên nhân do liên cầu có hoặc không tụ cầu vàng khi cơ thể bị suy giảm hệ miễn dịch.
Triệu chứng bệnh chốc ngoài da
Ở giai đoạn khởi phát, bệnh có thể được nhận biết qua các vết dát đỏ xung huyết trên da với đường kính 0,5 - 1cm, sau đó nổi các bọng nước và hoá mủ. Khi bọng nước vỡ, chúng đóng vảy và tiết ra dịch vàng nâu. Nếu chốc ở trên đầu, vết mủ sẽ làm bết tóc.
Sau 7-10 ngày, vết vảy bong đi không để lại sẹo mà chỉ làm vùng da ửng đỏ.
Bệnh chốc thường gặp ở các vùng da hở như mặt, cổ, tay, chân. Đôi khi biẻu hiện của bệnh có kèm theo hạch viêm và ngứa. Trẻ không bị sốt.
Biến chứng bệnh chốc
Bệnh chốc thường không gây nguy hiểm mà chỉ gây nên những vết lở loét dạng nhẹ trên da, không để lại sẹo. Người bệnh chỉ cảm thấy đau nhẹ và ngứa tại vùng da chốc. TUy nhiên, ở một số ít trường hợp, bệnh chốc cũng gây ra biến chứng với tình trạng viêm mô tế bào. Đây là tình trạng nhiễm trùng nghiêm trọng ảnh hưởng tới các mô da, ảnh hưởng tới thận và để lại sẹo trên da.
Cách điều trị bệnh chốc
Với bệnh chốc, hầu hết chỉ cần can thiệp điều trị tại nhà theo chỉ dẫn của bác sĩ. Bạn chỉ cần chấm dung dịch thuốc vào vùng da bị chốc vào mỗi sáng. kết hợp ngâm tắm hằng ngày với nước thuốc tím pha loãng để sát khuẩn da. Với tình trạng nhiều vảy tiết, đắp nước muối sinh lý và nước thuốc tím liên tục lên vết vảy hoặc dùng các loại thuốc mỡ kháng sinh hằng ngày.
Nếu tình trạng bệnh đã lan sang nhiều vùng da trên cơ thể, bác sĩ sẽ hướng dẫn bạn cho con dùng thêm thuốc kháng sinh đường uống trong 5-7 ngày.
Bên cạnh đó, phụ huynh nên cho trẻ tự nghỉ ngơi tại nhà để tránh tình trạng lây nhiễm. Trẻ nên chơi ở chỗ sạch, tránh gió, tránh bụi bẩn để hạn chế nhiễm khuẩn da.
Cách phòng ngừa bệnh chốc
Để phòng tránh và kiểm soát bệnh chốc ở trẻ em hiệu quả, phụ huynh cần lưu ý:
- Giữ sạch môi trường sống và khu vui chơi của trẻ, hạn chế để trẻ chơi gần các vật nuôi, tránh côn trùng cắn.
- Luôn để cơ thể trẻ được thoáng mát, mặc quần áo thấm mồ hôi
- Tắm rửa cho bé thường xuyên, thay quần áo mỗi ngày, cắt tóc, móng tay gọn gàng.
- Đảm bảo cho trẻ uống đủ nước và ăn nhiều rau xanh, trái cây để tăng cường sức đề kháng.
- Tránh để trẻ tiếp xúc với các nguồn lây bệnh.
Thuốc điều trị bệnh chốc hiệu quả
Chốc lở cần được điều trị với kháng sinh dạng uống hoặc thoa. Phụ huynh cần kết hợp rửa vết thương cho trẻ hằng ngày bằng các dung dịch sát trùng và thuốc mỡ kháng sinh bôi tại chỗ. Khi có dấu hiệu ngứa, bạn có thể dùng cho trẻ thêm thuốc kháng Histamin tổng hợp. Bạn có thể tham khảo chi tiết các thuốc điều trị bệnh chốc ở trẻ em hiệu quả dưới đây.